STEM và vai trò của công nghệ nói chung, công nghệ thông tin nói riêng trong khai mở tư duy người học
. (DSA) – Vừa qua, với sự hỗ trợ của Trung tâm STEM SQUARE, chương trình trải nghiệm đầu tiên về STEM đã được tổ chức tại trường THCS Sào Nam (Quận Hải Châu – Đà Nẵng). Đây cũng là trường THCS đầu tiên của thành phố khởi động hợp tác Trung tâm STEM SQUARE để đưa STEM vào nhà trường.
 “Chúng tôi cho rằng trước yêu cầu đổi mới về nội dung về phương pháp, thì STEM là sự lựa chọn đúng đắn. Và muốn đổi mới trong quy trình, thì trước tiên, Ban giám hiệu phải quyết liệt với đổi mới và để đổi mới thật sự, câu chuyện phải được bắt đầu từ chính người Thầy.
Đó là lý do vì sao chúng tôi tranh thủ thời gian hiếm hoi của ngày cuối tuần để tổ chức chương trình trải nghiệm đầu tiên về STEM với sự giúp đỡ, hỗ trợ đầy trách nhiệm của Trung tâm STEM SQUARE” – Nhà giáo Trần Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng trường THCS Sào Nam nhấn mạnh.
Giáo dục thế kỷ 21 và sự hoán đổi vị trí – vai trò trung tâm Một nội dung quan trọng được Thạc sỹ Trương Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm STEM SQUARE – dành nhiều thời gian chia sẻ đến các giáo viên trường THCS Sào Nam, đó là đặc điểm và phương pháp giáo dục thế kỷ 21.
“Có những đặc điểm chính của giáo dục thế kỷ 21 bao gồm: Học tập theo mô hình cá nhân hóa ; Công bằng, đa dạng và bao quát; Học qua thực hành; Mối quan hệ cộng đồng; Công nghệ; Giáo viên chuyên nghiệp và sự thay đổi vai trò của giáo viên, học sinh.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến một số đặc điểm như “Học qua thực hành”. Có rất nhiều cách học thông qua thực hành như học tập dựa trên vấn đề xảy ra, để giải quyết (Problem based learning) hay học theo hiện tượng, sự kiện (Phenomenon, Event based learning); học tập dựa trên dự án (Project based learning) và đặc biệt là kiến thức liên môn của việc học thực hành (STEM).
 STEM không là gì cao xa, hàn lâm, mà STEM hướng nhận thức, tư duy giải quyết vấn đề cho người học từ những vấn đề hiển hiện ngay trong đời thực. Và vấn đề đó có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng mà người học gắn kết” – Thạc sỹ Trương Quốc Tuấn phân tích.
Theo nhận xét của cô Lê Thị Tường Vi (Giáo viên lớp 9) thì “Giáo dục STEM tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ 21, đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và có thể tác động tích cực đến sự thay đổi do nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, mang lại.
Giáo dục STEM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao, với những công việc đòi hỏi trí óc của thế kỷ 21. Điều này phù hợp với cách tiếp cận tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tinh thần bao trùm này của giáo dục STEM cần được khai thác và đưa vào mạnh mẽ hơn trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Một đặc điểm và phương pháp giáo dục quan trọng của thế kỷ 21 đó là vai trò của Người Thầy trong lớp học có sự thay đổi lớn. Với thế kỷ số, giáo viên sẽ chỉ ở vai trò dẫn dắt (Teacher as Facilitator), là một huấn luyện viên đúng nghĩa. Thách thức của giáo viên ngày nay là phải sáng tạo liên tục với môi trường giáo dục phải thay đổi liên tục.
 “Để đổi mới thật sự, câu chuyện phải được bắt đầu từ chính người Thầy.” – Nhà giáo Trần Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng trường THCS Sào Nam nhìn nhận.
Cô Đặng Thị Thoa (giáo viên bộ môn lớp 6, lớp 8) cho biết: Nội dung buổi sinh hoạt trải nghiệm cùng STEM rất bổ ích, tôi và các đồng nghiệp có thể áp dụng trong giảng dạy nhiều điều.
Trường hiện có nhiều đồ dùng (học tập) trực quan, phương tiện công nghệ thông tin cũng có sẵn để hướng dẫn học sinh trong các tiết học. Ngoài ra, các anh, chị ở Trung tâm Stem Square cũng có hướng dẫn thành lập Câu lạc bộ STEM theo mô hình lớp, nhóm. Tôi có thể thông qua hình thức câu lạc bộ này để vận dụng mô hình trò chơi, hoạt động nhóm nhỏ, kết hợp các bài thuyết trình. Qua đó hướng dẫn học sinh tiếp thu bài học một cách tốt nhất. Tôi nghĩ đây là phương pháp dạy học tích cực, giáo viên trở thành người định hướng, học sinh chủ động phát hiện và nắm bắt kiến thức, quyết định giải pháp xử lý vấn đề các em gặp phải”.
 Các Thầy cô giáo tham gia chương trình trải nghiệm. Người Thầy của bối cảnh mới dù không còn là trung tâm của sự chú ý, nhưng lại quan trọng vô cùng khí chính họ trở thành người kiến tạo môi trường học tập theo mô hình hóa, tích cực và hiệu quả, khuyến khích sự sáng tạo, gắn kết với cộng đồng ở học sinh.
Người Thầy chỉ hướng dẫn, gợi ý về phương pháp, giúp học sinh của mình tự giải quyết những vấn đề theo trải nghiệm, hiểu biết và theo cách của các em. Người Thầy được nhìn nhận là thành công nếu học sinh trong lớp học trở nên tích cực thực hiện, thực hành hơn, phản biện và mạnh dạn sáng tạo.
T.Ngọc
|